Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23).
Sau khi phân tích tình hình và nguyên nhân, Nghị quyết số 23 đã nêu lên quan điểm chỉ đạo là: Nhận thức đầy đủ, tôn trọng, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với các điều kiện phát triển của đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kiên quyết chống mọi biểu hiện duy ý chí, quan liêu, bao cấp trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách công nghiệp quốc gia; bám sát, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển công nghiệp và kinh nghiệm công nghiệp hoá của thế giới.
Chính sách công nghiệp quốc gia là một bộ phận hữu cơ của chiến lược, chính sách phát triển đất nước, gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là chính sách thương mại quốc gia, tài chính - tiền tệ, khoa học, công nghệ, đào tạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm.
Kết hợp hài hoà giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia; tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hoá, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp. Việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phải khách quan, dựa trên các nguyên tắc, hệ thống tiêu chí rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn công nghiệp hoá của đất nước, phát huy tốt nhất lợi thế quốc gia.
Nhà nước giữ vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất trong công nghiệp.
Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh.
iocigecajoci Trả lời
24/11/2022http://slkjfdf.net/ - Avicupo Eqiwuqe rib.ayip.hnh.vn.twc.ti http://slkjfdf.net/