Việt Nam sẽ tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi trong vòng 5 năm tới

Đăng bởi CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ VẬT TƯ CÔNG NGHIỆP HNH VIỆT NAM vào lúc 21/08/2020

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản chúng ta sẽ trở thành  nước công nghiệp hiện đại, nhưng đến giờ phút này mục tiêu đó vẫn chưa thực hiện được như mong muốn, nếu không muốn nói là kỳ vọng "hóa rồng, hóa hổ" còn xa vời.

Công nghiệp chế biến, chế tạo phải là động lực phát triển kinh tế 

Trong bối cảnh hiện nay khi hoạt động dịch vụ, thương mại đang ngày càng phát triển nhờ sự tiến bộ vượt bậc của internet và khoa học công nghệ, đặc biệt từ khi khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ra đời, nhiều ý kiến cho rằng ngành sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo không còn vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, rằng trong giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam nên bỏ mục tiêu trở thành nước công nghiệp mà tập trung vào các ngành dịch vụ và các ngành có lợi thế nhờ CMCN 4.0.

5 năm tới, Việt Nam sẽ có thể tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi (Ảnh: Tư liệu)
 

Tuy nhiên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cũng như những gì đang xảy ra do đại dịch toàn cầu Covid-19 gây ra hiện nay cho thấy các nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển có khả năng ứng phó linh hoạt với khủng hoảng tốt hơn và nhanh chóng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng hơn là những nước chủ yếu dựa vào dịch vụ, đặc biệt từ du lịch.

Theo đó, Cục Công nghiệp nhấn mạnh Việt Nam vẫn phải xác định ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn chiến lược tới. Cần tận dụng triệt để cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và xu hướng tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra hiện nay để tăng cường nội lực ngành công nghiệp trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, thay vì bỏ mục tiêu trở thành nước công nghiệp, theo Cục công nghiệp, Việt Nam nên lựa chọn một số tiêu chí cụ thể về nước công nghiệp hoặc nước công nghiệp mới, và các tiêu chí về năng lực cạnh tranh công nghiệp để đưa vào nhóm các mục tiêu phát triển kinh tế của chiến lược (ví dụ, có thể lựa chọn các chỉ tiêu về giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo (MVA) như MVA bình quân đầu người, tỷ trọng MVA trong GDP...

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng MVA đóng góp trong GDP của Việt Nam đã tăng từ 12,9% năm 2010 lên 16% năm 2018, vẫn chưa đạt ngưỡng 20% như ở các nước công nghiệp phát triển. MVA bình quân đầu người đã tăng từ 570,7 USD năm 2010 lên 946,2 USD năm 2018, gần đạt ngưỡng các nền kinh tế công nghiệp mới nổi theo tiêu chí của Unido. Với tốc độ tăng trưởng MVA trên 8% như trong vòng 5 năm vừa qua, dự kiến trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có thể tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận CMCN 4.0 một cách hợp lý, đảm bảo sự cân bằng, hài hoà, hợp lý giữa công nghệ thông tin và công nghệ vận hành (OT) bởi công nghệ vận hành là cốt lõi, là nền tảng để ứng dụng sâu rộng IT cũng như các công nghệ mới của CMCN 4.0. "Những ứng dụng của IT trong lĩnh vực dịch vụ (như taxi công nghệ, thương mại điện tử…) mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, quỹ đạo phát triển chính của IT chủ yếu xoay quanh các ngành sản xuất, hay nói cách khác, các công nghệ của CMCN 4.0 chỉ là công cụ, trong khi các công nghệ vận hành (OT) hay các ngành sản xuất, chế biến chế tạo mới là nền tảng cốt lõi", Cục Công nghiệp nhấn mạnh.

Đến năm 2030: Việt Nam hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH

21/08/2020 CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ VẬT TƯ CÔNG NGHIỆP HNH VIỆT NAM 0

Thực trạng công nghiệp Việt Nam thời gian qua

21/08/2020 CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ VẬT TƯ CÔNG NGHIỆP HNH VIỆT NAM 0

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
icon icon icon